Xuất hóa đơn thương mại ?

Hỏi:

Công ty tôi có một lô hàng xuất đi Nhật. Hợp đồng ký là 3 bên. Công ty tôi là Công ty bán, bán hàng trực tiếp cho Công ty bên Nhật. Nhưng có 1 công ty ở giữa chịu trách nhiệm thanh toán. Họ đã thanh toán bằng chuyển khoản cho Công ty tôi. Vậy tôi xin hỏi giờ tôi xuất hóa đơn thì xuất hóa đơn GTGT cho Công ty bên Nhật hay Công ty thanh toán?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế;:

“a) Hóa đơn giá trị gia tăng (mẫu số 3.1 Phụ lục 3 và mẫu số 5.1 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này) là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:

– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;

– Hoạt động vận tải quốc tế;

– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

  1. b) Hóa đơn bán hàng dùng cho các đối tượng sau đây:

– Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu (mẫu số 3.2 Phụ lục 3 và mẫu số 5.2 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

– Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (mẫu số 5.3 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

Ví dụ:

– Doanh nghiệp A là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp A sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng trong nước và không cần lập hóa đơn GTGT cho hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài.

– Doanh nghiệp B là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Doanh nghiệp B sử dụng hóa đơn GTGT cho hoạt động bán hàng trong nước và cho hoạt động bán hàng vào khu phi thuế quan.

– Doanh nghiệp C là doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa và bán hàng hóa ra nước ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam) thì sử dụng hóa đơn bán hàng khi bán vào nội địa, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”; khi bán hàng hóa ra nước ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam), doanh nghiệp C không cần lập hóa đơn bán hàng.

– Doanh nghiệp D là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nước, cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp D sử dụng hóa đơn bán hàng. Khi xuất hàng hóa ra nước ngoài, doanh nghiệp D không cần lập hóa đơn bán hàng.”

Công văn số 11352/BTC-TCHQ quy định như sau:

“Về bộ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng hóa đơn thương mại để thay thế hóa đơn xuất khẩu. Trường hợp doanh nghiệp nội địa xuất khẩu hàng hóa vào khu phi thuế quan thì trong bộ hồ sơ hải quan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/20114 của Bộ Tài chính.”

Như vậy, khi công ty bạn khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ hoặc theo phương pháp trực tiếp, khi có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài thì công ty bạn không cần lập hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng cho hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài và sẽ sử dụng hóa đơn thương mại.

Theo thông tin bạn cung cấp thì trường hợp của công ty bạn sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán qua một công ty có thể là ngân hàng.

Công ty bạn muốn xuất hóa đơn cho công ty bên Nhật thì phải lập Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice).

Theo điều 18 UCP 600 quy định về hóa đơn thương mại:

“a. Hóa đơn thương mại:

  1. Phải thể hiện phải thể hiện là do người thụ hưởng phát hành (trừ trường hợp quy định tại điều 38);
  2. Phải đứng tên người yêu cầu (trừ khi áp dụng điều 38g);

iii. Phải ghi bằng loại tiền của tín dụng; và iv. không cần phải ký.

  1. Một ngân hàng chỉ định hành động theo sự chỉ định, một ngân hàng xác nhận (nếu có), hoặc ngân hàng phát hành có số tiền vượt quá số tiền được phép của tín dụng, và quyết định của nó sẽ ràng buộc tất cả các bên, miễn là ngân hàng đó chưa thanh toán hoặc thương lượng thanh toán cho số tiền vượt quá số tiền cho phép của tín dụng.
  2. Mô tả hàng hóa, dịch vụ hoặc thực hiện trong hóa đơn thương mại phải phù hợp với mô tả hàng hóa trong tín dụng.”

Giả dụ công ty bạn thanh toán lô hàng theo phương thức tín dụng chứng từ (L/C), nội dung của Invoice phải đảm bảo những yêu cầu của UCP 600.

  • Người lập hóa đơn phải là người bán ( nếu sử dụng phương thức nhờ thu, chuyển tiền,…), thể hiện là người hưởng thụ ghi trên L/C nếu như sử dụng phương thức tín dụng chứng từ.
  • Được lập cho người mua hoặc là người mở thư tín dụng.
  • Hóa đơn ghi đúng tên người bán, người mua ghi trong hợp đồng hoặc trong L/C.
  • Hóa đơn thương mại không cần phải ký, nếu hóa đơn có chữ ký thì phải được quy định rõ trong L/C.
  • Việc mô tả hàng hóa, dịch vụ hay các giao dịch khác trong hóa đơn phải phù hợp với mô tả hàng hóa trong L/C hoặc trong hợp đồng về số lượng, ký hiệu, giá cả, quy cách, chủng loại.
  • Nếu trong L/C đề cập đến giấy phép nhập khẩu, đơn đặt hàng của người mua và những chú ý khác thì những chi tiết này phải ghi trong hóa đơn.
  • Các chi tiết của hóa đơn không mâu thuẫn với các chứng từ khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *