Giấy tờ nước ngoài như thế nào có thể cung cấp cho tòa án Việt Nam.

Hỏi: Anh trai tôi hiện đang cư trú tại nước cộng hòa liên bang Đức có quốc tịch nước ngoài. Bố mẹ chúng tôi chết đi không có di chúc và để lại một số tài sản là nhà đất tại Việt Nam. Nay anh em chúng tôi muốn khởi kiện yêu cầu tòa án phân chia khối di sản thừa kế trên. Xin Luật sư cho biết anh trai có quốc tịch và hiện đang định cư tại Đức cần phải cung cấp các giấy tờ gì hợp pháp cho Tòa án Việt Nam để yêu cầu tòa án phân chia khối tài sản trên.

Trả lời: Điều 478 của BLTTDS năm 2015 đã quy định rõ hai loại chủ thể lập, cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu: (i) Cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, lập, xác nhận; (ii) Cá nhân cư trú ở nước ngoài tự lập, đồng thời, quy định về các điều kiện để giấy tờ, tài liệu do từng loại chủ thể nêu trên cấp, lập, xác nhận được Tòa án Việt Nam công nhận.

Đối với loại giấy tờ, tài liệu do chủ thể là cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, lập, xác nhận thì giấy tờ, tài liệu đó sẽ được công nhận nếu thuộc một trong hai trường hợp sau: (i) Đã được hợp pháp hóa lãnh sự; (ii) Được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đối với loại giấy tờ, tài liệu do cá nhân cư trú ở nước ngoài lập thì giấy tờ, tài liệu đó được công nhận nếu thuộc một trong ba trường hợp sau đây: (i) Đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam (áp dụng cho giấy tờ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài); (ii) Đã được hợp pháp hóa lãnh sự (áp dụng cho giấy tờ, tài liệu đã được công chứng theo pháp luật nước ngoài); (iii) Đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam (giấy tờ, tài liệu do công dân Việt Nam ở nước ngoài lập bằng tiếng Việt và có chữ ký của người lập trên giấy tờ, tài liệu đó).

Như vậy, Điều 478 của BLTTDS năm 2015 quy định Tòa án Việt Nam công nhận giấy tờ, tài liệu do đương sự cư trú ở nước ngoài nộp, gửi trực tiếp cho Tòa án hoặc giấy tờ, tài liệu đó do đương sự ở trong nước cung cấp cho Tòa án nếu đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật Việt Nam về hợp pháp hóa lãnh sự hoặc công chứng, chứng thực đối với từng loại giấy tờ, tài liệu cụ thể. Cụ thể như sau:

Giấy tờ, tài liệu đã được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 478 BLTTDS năm 2015.

Theo quy định tại Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự (Nghị định số 111), thì hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam1. Việc chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự chỉ là chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu, không bao hàm chứng nhận về nội dung và hình thức của giấy tờ, tài liệu2. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự của Việt Nam là Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài3. Như vậy, đối với loại giấy tờ, tài liệu của nước ngoài cấp, lập, xác nhận mà đương sự muốn sử dụng làm tài liệu, chứng cứ trong vụ, việc dân sự tại Tòa án Việt Nam, thì đương sự phải thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu đó theo quy định của pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự.

Đối với trường hợp anh trai của bạn cần phải cung cấp cho tòa án tại Việt Nam những giấy tờ tùy than như hộ chiếu, hoặc giấy khai sinh có xác thực của đại sự quán Việt Nam tại Đức hoặc nếu trường hợp ủy quyền cho người nhà bạn tại Việt Nam giải quyết thì giấy ủy quyền trên phải hợp thức hóa lãnh sự tại cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại để tòa án có căn cứ giải quyết vụ án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *